tác phẩm của thùy

in #art6 years ago

những tranh vẽ phù du

đặc trưng của nghệ thuật chân chính là sự biểu hiện có chọn lọc những cái gì đẹp đẽ và loại bỏ những cái gì thô mạt và hạ phẩm như là chuyện đương nhiên. một khái niệm khác vốn cho rằng cái đẹp tuyệt đỉnh là cái đẹp thoáng qua, ngắn ngủi,… cùng với những thú vui tinh tế, dễ vỡ là thuộc tính của sự ưu nhã nhấn mạnh đến sự vô thường của cuộc đời.
nghệ thuật phù du (ephemeral art) được mô tả như là một loại hình nghệ thuật có giới hạn tuổi thọ, nó tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành một mục đích cụ thể và sau đó bị phá huỷ hoặc dần dà mất đi. dù nỗ lực tìm mọi cách để giữ lại những tác phẩm ấy như bằng hình chụp in tem, in trên tiền và đưa vào làm mẫu trên các chất liệu khác như đan thêu, dệt thổ cẩm,… biến chúng thành các biểu tượng đặc trưng của nghệ thuật, chúng vẫn cứ là di sản văn hóa phi vật thể dễ mai một.
được xem là báu vật mong manh, tính chất phù du của tranh vẽ trên bãi biển khiến nó trở thành một bảo bối văn hóa ngắn ngủi nhất nhân lọai. những bức vẽ này nhanh chóng bị sóng biển bào mòn khi thủy triều lên. gió, nước, thiên nhiên, lực tác động khác sẽ mau chóng chấm dứt sự tồn tại của những hình vẽ độc nhất không bao giờ trùng lắp này. để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật như vậy, nghệ nhân phải cảm nhận cái gì tồn tại trong một thời gian ngắn là cái đẹp bất chợt rất mầu nhiệm, sống động. trong văn hóa phương tây, nghệ thuật phù du có thể bao gồm hình vẽ tùy tiện và sau đó sẽ bị xóa bỏ. tại ấn độ có nhiều loại nghệ thuật phù du như: hình nộm tạo ra cho các lễ hội, tượng được mặc quần áo để trang trí cho các cuộc lễ, sơn vẽ để trang trí trên cơ thể. tại tây tạng, các nhà sư tạo ra các mạn đà la để sử dụng trong nghi lễ. tại việt nam các tín đồ chưng hoa quả để dâng cúng.
trong phật giáo tây tạng tranh cát được gọi là dul-tson kyil-khor (mạn đà la). cát được cẩn thận rải lên mặt phẳng một tấm bảng lớn, quá trình sáng tạo phải mất vài ngày có khi vài tháng với các họa tiết và màu sắc và bố cục mang những hàm ý triết lý tâm linh. những vị tăng sĩ người tây tạng đã tỉ mỉ dùng vô số hạt cát nhuộm màu làm thành một mô hình mạn đà la đầy mầu sắc. quá trình diễn tiến như là một phương pháp hành thiền của phật giáo, được dùng để ban phúc lành và để trình bày quan điểm là mọi vật trên thế gian dù thật đẹp đều chỉ là phù du. khi vừa làm xong cũng là lúc nó bị phá hủy. việc xây đắp và phá hủy mạn đà la là để tượng trưng cho sự phù du của tất cả mọi vật hiện hữu. thêm vào đó, nó cũng cho chúng ta một bài học của sự không dính mắc. điều đó được tiến hành như một phương pháp giảng dạy và phép ẩn dụ cho sự vô thường.
tranh cát cũng như các bộ môn nghệ thuật khác cùng với thời gian để tồn tại tùy theo từng thời kỳ tùy vào môi trường văn hóa xã hội mà nó có những phát triển, biến đổi vô cùng phong phú với những biến thể của nó trong thế kỉ 21 hết sức ngọan mục. ở việt nam nổi tiếng nhất là tranh cát đổ hộp thủy tinh của nghệ nhân ý lan và tranh cát động vẽ trên mặt kính của nghệ sĩ trí đức. những lọai cát màu thiên nhiên, hoặc bột khóang chất hay tinh thể các sắc tố khác có nguồn gốc tự nhiên hoặc chất liệu tổng hợp được đổ vào lọ thủy tinh và được dùng que vẽ thành những bức tranh lung linh, huyền ảo, đẹp hút hồn nhưng đó là những bức tranh rất dễ vỡ, chỉ cần va chạm nhẹ là tan tành.
vừa độc đáo vừa phức tạp trong biểu cảm ngôn ngữ tượng hình, những bàn tay tài hoa của nghệ nhân vẽ cát được xem là “ngòi bút của thần linh”. những hình vẽ từ ngón tay như nét bút thảo của thần linh hiện ra thẳng trên “bảng toile lạ” là đất, cát, tro núi lửa và cả đất sét… muôn đường uốn khúc liền lạc bó trong một khung tranh vô hình tạo ra các mô típ đồ họa đa phần đối xứng, vừa nghệ thuật, sống động vừa hàm ý. chức năng một tranh vẽ đất, cát, tường,… ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. nó có thể được hiểu như một tác phẩm nghệ thuật, ký thác thông tin, minh họa câu chuyện, hay một vật thể để người xem nghiền ngẫm.
từ xưa đến nay, chúng ta quen với những tác phẩm nghệ thuật tồn tại qua nhiều thế kỷ như pho tượng aphrodite, bức họa la joconde, thần vệ nữ say ngủ,...chúng ta cứ mê mãi trong những tác phẩm với những chủ đề kéo dài gần như vô tận. trong lịch sử nghệ thuật, thế hệ mới luôn luôn tìm cách phá vỡ thế hệ trước. nghệ thuật đương đại đang tạo ra một lọai hình mới với những tác phẩm nghệ thuật bằng các chất liệu tự nhiên như cành cây, hoa, lá, đá, giấy, các hình vẽ trên đường phố bằng phấn sáp dễ bay màu. ngay từ thế kỉ thứ 16 tại ý, những nghệ sĩ lang thang được gọi là “madonnari” đã tái hiện những bức tranh tôn giáo lên mặt phố chỉ bằng gạch, than, đá, phấn, sáp,… để kiếm chút đỉnh tiền lẻ của khách thập phương. ngày nay tranh phấn sáp đã thịnh hành và nhiều nơi trên thế giới tổ chức lễ hội tranh phấn sáp như một họat động giải trí của thị dân. nó phá bỏ ranh giới giữa cuộc sống với các gallery và bảo tàng nghệ thuật. phù du là vẻ đẹp của tranh phấn sáp, hay nói cách khác, nghệ thuật không nhất thiết phải cao sang và vĩnh cửu, miễn là nó có một lý do để tồn tại và sau đó có thể bôi xóa đi để tiếp tục tái tạo các biến thể khác.
dù không còn vô danh nhưng tranh biếm họa bị xem là phù du, là nghệ thuật của đời sống đô thị và tiêu dùng. ở việt nam, biếm họa xuất hiện từ khá sớm. những nhà báo của việt nam thời kỳ đầu đã xem biếm họa là một phương tiện, một công cụ để bày tỏ quan điểm, chính kiến qua các hình ảnh chỉ mang tính hoạt kê, khôi hài, rồi mới đến châm biếm. biếm họa dù đóng góp rất nhiều vào nhận thức của quần chúng xã hội về chức năng báo chí và các sức mạnh của nó, nhưng tại việt nam, nó vẫn còn bị xem nhẹ. thường các biếm họa chỉ xuất hiện một lần trên báo rồi chết.
cái phù du trong tác phẩm không phải là vấn đề hình thức. nghệ thuật vẽ tranh trên đường phố mới manh nha ở việt nam nhưng nó đã có cả chặng đường dài phát triển ở châu âu. những họa sỹ đam mê vẽ tranh đường phố đã tạo nên những đường phố kỳ diệu bằng tranh 3d hoành tráng, dù nó dễ dàng bị mưa nắng, gió, tuyết,… xóa nhòa.
nghệ thuật đương đại phát triển với hai xu hướng chính. xu hướng không gian bao gồm sắp đặt, biến đổi, trình diễn, sáng tạo không gian bằng mọi chất liệu. xu hướng thứ hai là áp dụng kỹ thuật số, màn hình, đèn chiếu... những tranh vẽ phù du phát triển theo hai xu hướng chính nầy và bản chất của nó là hữu hạn.
cuộc sống không ngừng trôi chảy, mà cuộc đời của mỗi con người thật ngắn ngủi quá. hãy lấp đầy bằng niềm vui và hạnh phúc trong những khoảnh khắc mà chúng ta nắm lấy được. khi nói đến "vô thường","phù du", chúng ta cảm nhận phần nào ý nghĩa sâu sắc của nó trong đời sống, nghệ nhân đương đại đã tạo nên một hành trình khám phá tâm linh bản ngã, qua những bức vẽ tồn tại trong thời gian ngắn, đó là khởi nguồn của nghệ thuật hội họa phù du hiện nay.
lê thu thùy

DSCN2514.JPG